Giới thiệu Khoa Ngoại Ngữ

5/10/2021 10:13:14 AM

I. Giới thiệu chung

1.1. Lịch sử hình thành phát triển

 Khoa ngoại ngữ được thành lập tháng 3 năm1998 trên cơ sở Khoa Ngoại ngữ, trường Cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa và Trung tâm Ngoại ngữ, trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thanh Hóa. Ban đầu, khoa có hai tổ chuyên môn là Tổ Ngoại ngữ chuyên và Tổ Ngoại ngữ không chuyên với 35 cán bộ giảng dạy, trong đó có 01 cán bộ có trình độ thạc sĩ và 34 cán bộ có trình độ cử nhân, khoa có 220 sinh viên gồm 7 chi đoàn sinh viên, đào tạo cử nhân sư phạm tiếng Anh bậc cao đẳng.

Trải qua hơn 25 năm lớn mạnh, khoa hiện có 3 bộ môn: Ngôn ngữ - Văn hóa và Phương pháp dạy học Tiếng Anh; Phát triển kỹ năng Tiếng Anh; và Ngoại ngữ không chuyên. Đội ngũ cán bộ không ngừng nâng cao trình độ. Khoa hiện có 35 cán bộ, giáo viên (31 giảng viên, 01 trợ lý giáo vụ, 01 trợ lý công tác HSSV&VTM, 01 cán bộ hành chính và 01 trợ giảng) trong đó có 04 CBGD có trình độ tiến sĩ, 02 CBGD đang làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài, 25 CBGD có trình độ thạc sĩ, 04 cử nhân. Tổng số sinh viên hiện nay của khoa là gần 1200, với các hình thức đào tạo: Đại học sư phạm tiếng Anh (hệ chính quy, liên thông vừa làm vừa học), Đại học ngôn ngữ Anh (hệ chính quy, liên thông vừa làm vừa học). 

1.2. Chức năng nhiệm vụ

Chức năng nhiệm vụ của khoa là: 1) Đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành sư phạm tiếng Anh, hệ chính quy, vừa làm vừa học, văn bằng 2 bậc đại học; đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành tiếng Anh hệ cao đẳng; đào tạo tiếng Anh cho CBGV, học viên, sinh viên các chuyên ngành khác của trường đại học Hồng Đức; dạy tiếng Anh cho người học làm việc tại các ban, ngành, cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; dạy tiếng Anh cho người học từ bậc học tiểu học đến người đi làm khi có nhu cầu; 2) Nghiên cứu khoa học phục vụ chuyên môn, phát triển nguồn nhân lực có trình độ ngoại ngữ ngày càng được nâng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh, khu vực và quốc gia.

1.3. Cơ cấu tổ chức và đội ngũ cán bộ:

Lãnh đạo đơn vị đương nhiệm:

Trưởng Khoa: TS. Nguyễn Thị Quyết

Phó trưởng Khoa: TS. Nguyễn Thanh Minh

Đội ngũ giảng viên, nhân viên: 35 cán bộ giảng viên, trong đó có 04 tiến sỹ, 02 nghiên cứu sinh, 25 thạc sĩ, 04 cử nhân.

Khoa có 03 bộ môn, gồm:

1.Phát triển kỹ năng Tiếng Anh.

P. Trưởng BM phụ trách: ThS. Đặng Thị Nguyệt

P. Trưởng BM: Dư Thị Mai

2. Ngôn ngữ - Văn hóa & Phương pháp dạy học Tiếng Anh

Trưởng BM: TS. Vũ Thị Loan

P. Trưởng BM: ThS. Trần Mạnh Trung

3. Ngoại ngữ không chuyên.

P. Trưởng BM phụ trách: ThS. Lê Thị Hương (A)

P.Trưởng BM: ThS. Nguyễn Thị Việt

1.4. Các chương trình Đào tạo

-  Đại học Sư Phạm Tiếng Anh

-  Đại học Ngôn Ngữ Anh

 II. Dấu ấn về đào tạo và nghiên cứu khoa học

2.1. Hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học

Cán bộ giảng viên, sinh viên trong khoa tham gia các hoạt động hợp tác, trao đổi phương pháp dạy học, nghiệp vụ đào tạo tiếng Anh; giao lưu văn hóa với nhiều trường đại học và tổ chức quốc tế như: Đại học Victoria of Wellington, Newzealand; Đại học Carleton, Canada; Đại học New York, Mỹ; Đại học Massey, Newzealand, Trung tâm sư phạm quốc tế, Pháp; hợp tác với công ty IIG Việt Nam, nâng cao năng lực kiểm tra, đánh giá cho giảng viên.

Khoa tham gia đào tạo tiếng Anh cho CB, CC và người lao động tại các cơ quan trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa như Công ty Z11, Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn, đào tạo tiếng Anh cho lớp cán bộ nguồn của tỉnh Thanh Hóa; Bồi dưỡng năng lực và PPDH tiếng Anh cho giáo viên tiếng Anh các huyện như Thọ Xuân, Tĩnh Gia.

2.2. Thành tựu thực hiện các nhiệm vụ về đào tạo và nghiên cứu khoa học

Sau 25 năm phát triển, khoa đã đào tạo được 21 khoá sinh viên ngành SPTA với trên 2500 cử nhân ĐH và hơn 1000 cử nhân CĐ hệ chính quy, hơn 200 sinh viên hệ văn bằng 2, VLVH; đào tạo ngoại ngữ cho hàng trăm ngàn sinh viên, học viên học các chuyên ngành khác của trường ĐH Hồng Đức.

Sinh viên ngành SPTA do khoa đào tạo luôn năng động, sáng tạo và tự tin, được trang bị các điều kiện để có thể chuyển đổi nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp. Ngay từ khi còn học tại trường, sinh viên đã tham gia các hoạt động mang tính hợp tác quốc tế như: Dự án ACCU, Năm du lịch Quốc Gia 2015, Hội khỏe phù đổng toàn quốc 2016, hoặc làm việc bán thời gian cho các công ty đa quốc gia như công ty Hongfu, tập đoàn FLC, tổ chức Tầm nhìn thế giới, v.v. Một số sinh viên của khoa đã có cơ hội giao lưu, học tập tại nước ngoài như Hoa Kỳ, Canada, Thái Lan, Trung Quốc, vv…Nhiều sinh viên do khoa đào tạo đã trở thành giảng viên tại một số trường đại học như ĐH Quốc Gia, ĐH kinh doanh và Công nghệ, Đại học Vũng Tàu, ĐH Lạc Hồng. Đa số trở thành giáo viên có chuyên môn tốt tại các cơ sở giáo dục trên toàn quốc. Một số người trở thành doanh nhân thành đạt, nhà quản lý của các doanh nghiệp.

Hoạt động khoa học phát triển cả về khối lượng cũng như chất lượng. Đến nay, khoa đã tổ chức thành công 05 hội thảo KH cấp liên trường; hàng năm tổ chức từ 1 đến 2 hội thảo cấp trường, 1 hoặc 2 hội thảo cấp khoa; CBGV thực hiện gần 30 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp (cấp tỉnh, cấp cơ sở); CBGV trong khóa đã có 25 bài đăng trong kỷ yếu hội thảo quốc tế, 30 bài đăng trong kỷ yếu hội thảo quốc gia; hàng trăm bài đăng tạp chí chuyên ngành. Nghiên cứu khoa học trong sinh viên cũng được nâng cao chất lượng một cách rõ rệt. Hàng năm, khoa có 5 -7 nhóm sinh viên thực hiện các đề tài cấp trường với từ 2 -3 đề tài đạt giải cao.

III.  Định hướng phát triển

Đến năm 2030, khoa phát triển cả về quy mô đào tạo với 02 chuyên ngành đào tạo được mở mới (thạc sĩ tiếng Anh và cử nhân biên phiên dịch tiếng Anh) và cơ cấu tổ chức (thành lập thêm bộ môn Lý luận và Phương pháp dạy học tiếng Anh với tổng số GVTA có trình độ tiến sỹ là 7 người trở lên. Hằng năm khoa có ít nhất 03 đề tài các cấp được thực hiện, 10 cán bộ giảng viên tham gia hội thảo quốc tế và trong nước. Mở rộng phạm vi hợp tác đào tạo với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước.