Những điểm mới của thông tư quy định danh mục thống kê ngành đào tạo các trình độ của giáo dục đại học

6/23/2022 6:15:14 AM
Theo thông tư số 09/2022/TT-BGDĐT ngày 07 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào quy định Danh mục thống kê ngành đào tạo của giáo dục đại học

Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã xác định một trong các mục tiêu tổng quát của đổi mới giáo dục là “Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực”.

Với tốc độ phát triển nhanh trong những năm qua của hệ thống giáo dục đại học cho thấy nhiều chương trình đào tạo mới đã được xây dựng và theo đó nhiều ngành đào tạo mới đã xuất hiện, cũng như có thể một số ngành đào tạo trong các Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ (Thông tư số 24/2017/TT-BGDĐT ngày 10/10/2017 và Thông tư số 25/2017/TT-BGDĐT ngày 10/10/2017) sẽ giảm dần nhu cầu của xã hội.

Năm 2018, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH được Quốc hội thông qua, trong đó quy định Bộ GDĐT “ban hành Danh mục thống kê ngành đào tạo của giáo dục đại học[1].

Thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH, ngày 07/6/2022 Bộ GDĐT ban hành Thông tư số 09/2022/TT-BGDĐT quy định Danh mục thống kê ngành đào tạo các trình độ của GDĐH quy định nguyên tắc, tiêu chí xây dựng, cập nhật các ngành đào tạo theo nhu cầu phát triển ngành nghề đào tạo cho đào tạo nguồn nhân lực, gắn với yêu cầu nâng cao chất lượng GDĐH và hội nhập quốc tế, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH và các quy định pháp luật liên quan.

Khác với các Danh mục trước, Danh mục này được xây dựng theo các nguyên tắc phân loại, sắp xếp chương trình và ngành đào tạo trong Danh mục (Danh mục ngành chính thức và Danh mục ngành thí điểm). Việc cập nhật Danh mục sẽ được thực hiện trên cơ sở các nguyên tắc, tiêu chí về bổ sung, chỉnh sửa, loại bỏ các ngành trong Danh mục. Mỗi Danh mục sẽ được rà soát, điều chỉnh, cập nhật để đảm bảo thích ứng với những thay đổi về ngành nghề trong bối cảnh các cơ sở GDĐH tự chủ phát triển các chương trình đào tạo đào tạo cung cấp nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội nhưng vẫn đảm bảo sự điều tiết vĩ mô và quản lý bởi Nhà nước.

Cách tiếp cận này phù hợp với thông lệ quản lý các ngành đào tạo của các nước trên thế giới[2]. Đồng thời, quy định theo hướng như vậy cũng giúp các cơ sở GDĐH của Việt Nam có thể đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội của Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cũng như đáp ứng nhu cầu nhân lực của các nước trong khu vực hay cộng đồng ASEAN nhằm tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng để phát triển nền kinh tế xã hội cho Việt Nam.

Với quy định như vậy, thực hiện Thông tư sẽ: (1) Phân loại được các chương trình và ngành đào tạo đang được triển khai tại các cơ sở GDĐH, phản ảnh đúng thực trạng các ngành đang được đào tạo ở Việt Nam; (2) Đảm bảo tính mở, dễ dàng bổ sung, cập nhật các ngành đào tạo trong GDĐH định kỳ nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực phát triển kinh tế xã hội; (3) Đảm bảo tính hiện đại, hội nhập quốc tế, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của UNESCO và CIP của các quốc gia phát triển; (4) Kế thừa, phát triển các danh mục giáo dục, đào tạo đã có; (5) Làm căn cứ để xây dựng và thực hiện các quy định về mở ngành, tuyển sinh, liên thông trong đào tạo, công nhận văn bằng trong GDĐH; căn cứ để xây dựng chuẩn chương trình đào tạo trong GDĐH.

 

 

 

[1] điểm b, Khoản 2, Điều 68, Luật số 34

[2] Bảng Phân loại các chương trình đào tạo của Hoa Kỳ, Phân loại tiêu chuẩn giáo dục  Ôtxtrâylia ASCED, Bảng phân loại các chương trình đào tạo đại học của Canada, bảng phân loại tiêu chuẩn quốc tế về giáo dục ISCED 2011 của UNESCO.

Tin liên quan