09/06/2022
Cập nhật lúc: 02:24 CH ngày 21/07/2020
TS. Nguyễn Văn Thế - Phó trưởng phòng QLKH&CN phát biểu khai mạc hội thảo
Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo, cán bộ giảng dạy môn tiếng Anh ở một số trường THPT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Về phía Trường Đại học Hồng Đức có PGS.TS. Hoàng Thị Mai – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; đại diện lãnh đạo các phòng chức năng; các tác giả có bài tham luận; các cán bộ giảng viên cùng đông đảo sinh viên của khoa Ngoại ngữ.
Hội thảo đã nhận được nhiều báo cáo tham luận từ các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý, các cán bộ giảng viên, giáo viên trong và ngoài trường. Nhìn chung, các tham luận đều hướng tới thể hiện những vấn đề học thuật mới, được thực hiện nghiêm túc, công phu và đầy tâm huyết, tập trung vào các nội dung cơ bản sau: Các vấn đề về lý luận và thực tiễn trong đổi mới phương pháp, nội dung chương trình đào tạo sinh viên ngành sư phạm tiếng Anh; trao đổi kinh nghiệm về phát triển tài liệu dạy học phù hợp với chương trình sách giáo khoa mới; đánh giá tài liệu dạy học hiện nay so với chương trình theo sách giáo khoa mới; các biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên chuyên ngành sư phạm tiếng Anh.
Tại Hội thảo, có 15 lượt tham luận và trao đổi ý kiến. Trong đó, có những nghiên cứu về việc dạy học kỹ năng nói tiếng Anh, các hình thức tổ chức hoạt động giảng dạy tiếng Anh phổ thông theo chương trình sách giáo khoa mới. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng nêu lên những khó khăn trong phương pháp dạy học theo chương trình sách giáo khoa mới và những yêu cầu đặt ra đáp ứng với công tác đào tạo sinh viên ngành sư phạm tiếng Anh.
Phát biểu kết luận, TS. Nguyễn Thị Quyết – Phó Trưởng khoa Ngoại ngữ đã khẳng định, Hội thảo là một diễn đàn khoa học để các nhà khoa học, các chuyên gia giáo dục, các giảng viên, các giáo viên, các cơ sở giáo dục trung học phổ thông trao đổi, chia sẻ về nội dung, phương pháp, phương tiện dạy học và kiểm tra đánh giá, giúp sinh viên ngành sư phạm tiếng Anh có được kiến thức, kĩ năng bắt kịp với các thay đổi của chương trình sách giáo khoa mới, đáp ứng chuẩn đầu ra. Đồng thời, tìm ra được các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên ngành sư phạm tiếng Anh đáp ứng yêu cầu của các nhà tuyển dụng lao động, của xã hội trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển./.