06/01/2025
Hội thảo có sự tham dự của ông Trịnh Trọng Nam – Trưởng phòng Giáo dụcTrung học, Sở GD&ĐT Thanh Hóa, TS. Trần Thị Ngọc Liên – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quản lý và Công nghệ Hải Phòng, TS. Nguyễn Tất Thắng – Trưởng Khoa Ngoại ngữ Học viện Nông Nghiệp Việt Nam, TS. Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Khoa học - Công nghệ Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp và hơn 100 đại biểu đến từ 15 trường Đại học, Cao đẳng, Trung học phổ phông và Trung tâm tiếng Anh khác nhau trên toàn quốc tham dự.
Về phía Trường Đại học Hồng Đức, có sự hiện diện của PGS.TS. Đậu Bá Thìn - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Nguyễn Thị Quyết – Trưởng khoa Ngoại ngữ; đại diện lãnh đạo thuộc các đơn vị trong trường; các tác giả có bài tham luận; cùng đội ngũ cán bộ giảng viên và hơn 400 sinh viên Khoa Ngoại ngữ Trường Đại học Hồng Đức.
Đại biểu tham dự Hội thảo
Trong phần phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Đậu Bá Thìn – Phó Hiệu trưởng Nhà trường bày tỏ niềm vinh hạnh khi được chào đón các đại biểu tham dự sự kiện này. Ông khẳng định rằng: Hội thảo không chỉ là một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng mà còn là một diễn đàn khoa học uy tín nơi tạo cơ hội để các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận và chia sẻ những nghiên cứu, những sáng kiến, kinh nghiệm. Qua đó, khám phá các giải pháp sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng dạy học ngôn ngữ- một lĩnh vực đóng vai trò then chốt trong việc trang bị cho sinh viên những kỹ năng cần thiết để hội nhập và phát triển trong bối cảnh quốc tế hoá.
Trong khuôn khổ của Hội thảo, TS. Trần Thị Ngọc Liên - Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng thay mặt cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng và Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp đã gửi lời cảm ơn chân thành vì sự đón tiếp nồng hậu từ phía Trường Đại học Hồng Đức. Đồng thời, bà nhấn mạnh rằng: Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, giáo dục ngôn ngữ hiện nay không chỉ đơn thuần là việc truyền đạt kiến thức, mà còn là một quá trình đổi mới sáng tạo, kết hợp với việc ứng dụng các phương pháp và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng dạy và học. Vì vậy, hội thảo được xem là một cơ hội quý báu để các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các nhà quản lý, chuyên gia, giảng viên và giáo viên chia sẻ các vấn đề nghiên cứu, các quan điểm cũng như các cách tiếp cận hiện đại trong lĩnh vực dạy và học ngôn ngữ trước xu thế mới. Bên cạnh đó, sự kiện này còn thể hiện sự cam kết của các nhà trường trong việc đóng góp vào sự phát triển của giáo dục đại học, đồng thời biểu hiện tinh thần hợp tác chặt chẽ giữa các trường đại học, học viện trong nước.
Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 50 bài báo nghiên cứu của các chuyên gia, các nhà khoa học, các cán bộ giảng viên đến từ nhiều trường Đại học, Cao đẳng, trường Trung học phổ thông và các Trung tâm tiếng Anh trên toàn quốc gửi về. Sau quá trình tuyển chọn , 44 bài báo đã được đưa vào kỷ yếu hội thảo. Các bài phát biểu, tham luận của các chuyên gia, các nhà khoa học đã mang đến những góc nhìn đa dạng, với nhiều khía cạnh khác nhau liên quan đến các vấn đề trong lĩnh vực ngôn ngữ học ứng dụng; phương pháp giảng dạy và học ngôn ngữ; E-learning, dạy học trực tuyến (online); dạy học kết hợp (Blended learning); dạy học Biên-Phiên dịch; kiểm tra đánh giá dạy-học ngôn ngữ; phát triển chương trình và tài liệu giảng dạy ngôn ngữ; nâng cao chuyên môn cho người dạy; ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy-học ngôn ngữ cũng như văn hoá và các yếu tố liên văn hoá trong giảng dạy ngôn ngữ.
Tại phiên toàn thể, các đại biểu tham dự đã được lắng nghe TS. Trần Thị Ngọc Liên - Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng trình bày tham luận với chủ đề “ChatGPT and its Impacts on University Students’ Engagement in EFL”. Sau đó, Hội thảo được chia làm 06 tiểu ban để tập trung trao đổi, thảo luận chuyên sâu về các xu hướng đổi mới trong phương pháp dạy học ngôn ngữ và việc ứng dụng những công nghệ mới trong giảng dạy, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người học cũng như phù hợp với xu thế phát triển của xã hội hiện đại.
Khoa Ngoại Ngữ lấy làm rất tự hào khi các giảng viên và sinh viên của Khoa đã có những bài báo cáo được trình bày tại các tiểu ban khác nhau. Đây không chỉ là một bước tiến quan trọng, nâng cao uy tín của mỗi cá nhân mà còn góp phần nâng cao vị thế của Khoa nói chung và Trường Đại học Hồng Đức nói riêng trên bản đồ giáo dục đại học quốc gia. Những bài báo cáo này chính là kết quả của sự cống hiến không ngừng nghỉ trong công tác giảng dạy và nghiên cứu, thể hiện sự sáng tạo, tinh thần học hỏi và khả năng tư duy phản biện sâu sắc của đội ngũ giảng viên Khoa Ngoại Ngữ. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Khoa duy trì và củng cố mối quan hệ hợp tác với các cơ sở giáo dục, nghiên cứu, đồng thời mở rộng mạng lưới kết nối với các chuyên gia, học giả hàng đầu trong lĩnh vực ngôn ngữ học và giáo dục.
Những kết quả từ các bài nghiên cứu của các nhà khoa học, cùng với những ý kiến trao đổi trực tiếp tại các Hội thảo, đã mở ra những hướng đi mới đầy triển vọng và những phương thức giảng dạy hiệu quả hơn. Những gợi ý này không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục ngôn ngữ tại Việt Nam mà còn đóng góp tích cực vào sự đổi mới và phát triển toàn diện của nền giáo dục quốc gia. Qua đó, các giải pháp này hứa hẹn sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực, thúc đẩy sự hội nhập và nâng cao năng lực ngôn ngữ cho thế hệ trẻ, góp phần xây dựng một xã hội tri thức, phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên toàn cầu hóa.