26/02/2022
Sinh viên Trường Đại học Văn hóa, Thể thao & Du lịch Thanh Hóa trong giờ học Tin học (ảnh tư liệu).
Là một trong những trường ĐH địa phương có quy mô lớn, Trường ĐH Hồng Đức có 12 khoa đào tạo, trên 600 giảng viên và hơn 11.000 sinh viên ở tất cả các hệ đào tạo. Trong những năm qua, Trường ĐH Hồng Đức đã từng bước thay đổi từ phương thức đào tạo truyền thống sang sử dụng các hệ thống công nghệ thông tin (CNTT), phần mềm để tạo dựng nên hệ thống cơ sở dữ liệu giáo dục ĐH. CĐS trong hoạt động không chỉ làm thay đổi phương pháp giảng dạy, phương thức quản trị trong nhà trường, mà còn hỗ trợ cho công tác quản lý Nhà nước.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thế Anh, Trưởng khoa CNTT và Truyền thông Trường ĐH Hồng Đức cho biết: Từ khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện thì Trường ĐH Hồng Đức cũng bắt đầu thay đổi cách thức giảng dạy, đặc biệt là giảng dạy trực tuyến. Các giảng viên trong trường phải thay đổi từ cách soạn bài, cách giảng dạy... Từ đó, phương thức quản lý cũng thay đổi theo và trở thành một phần của quá trình CĐS. Là đơn vị được thụ hưởng đề án xây dựng trường học thông minh, Trường ĐH Hồng Đức đã được đầu tư cơ sở hạ tầng về CNTT, hạ tầng mạng, hệ thống máy chủ, đường cáp quang kết nối tốc độ cao, hệ thống phòng máy chủ, trung tâm dữ liệu... tương đối đồng bộ, hiện đại. Nhà trường hiện có một phòng học thông minh với các thiết bị thông minh hỗ trợ giảng viên và sinh viên tương tác hiệu quả trong quá trình dạy học; 1 phòng thí nghiệm về lĩnh vực khoa học máy tính với các trang thiết bị, các hệ thống máy xử lý dữ liệu tốc độ cao, giúp sinh viên của ngành khoa học máy tính có thể học tập và thử nghiệm các thuật toán về khai thác, sử dụng dữ liệu, dữ liệu lớn, các thuật toán về trí tuệ nhân tạo hoặc công nghệ blockchain hiệu quả... Đề án đã trang bị cho nhà trường 1 hệ thống phần mềm quản trị nhà trường hiện đại, trong đó, các đối tượng khác nhau như sinh viên, nhà quản trị, nhà quản lý đều có môi trường làm việc trên không gian số. Nhà trường có thể quản lý, theo dõi các hoạt động của giảng viên, giám sát lớp học hay các hoạt động khác liên quan đến các khoa đào tạo một cách hiệu quả. Sinh viên được hưởng lợi rất nhiều từ hệ thống phần mềm quản trị tổng thể này. Các em có thể đăng ký các học phần theo tín chỉ, nhận thời khóa biểu, lịch thi, nộp học phí... trực tuyến. Thông qua hệ thống phần mềm, đội ngũ giảng viên đã có 1 công cụ mạnh mẽ trong việc tương tác với sinh viên thông qua hệ thống quản lý học tập. Tại đây giảng viên, sinh viên dễ dàng quản lý các nội dung liên quan đến cá nhân như điểm trong suốt quá trình, các thông báo liên quan đến ngành học, tiến độ hoàn thành chương trình, học phí, lịch thi, lịch học.... Giảng viên cũng dễ dàng quản lý các nội dung liên quan đến công việc của mình, đặc biệt là các nội dung thống kê, báo cáo, phục vụ cho việc đánh giá chất lượng dạy và học sau mỗi kỳ, khối lượng giờ dạy, giờ vượt định mức... CĐS đã mang lại hiệu quả, khuyến khích nhà trường CĐS trong mọi quy trình về quản trị, vận hành phòng, ban, tăng cường năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý để gia tăng hiệu quả trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trong nhà trường.
Khẳng định “CĐS là một quá trình tất yếu không thể đảo ngược”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức chia sẻ: Mục tiêu của nhà trường trong thời gian tới là xây dựng nhà trường trở thành một trong những mô hình CĐS mẫu cho các trường ĐH, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ... Nhà trường dự kiến từ nay đến năm 2025 hoàn thiện xây dựng kiến trúc CĐS tổng thể cho Trường ĐH Hồng Đức, cơ sở hạ tầng mạng, trang thiết bị CNTT, phòng thí nghiệm chuyên ngành, phòng học thực tế ảo, phòng học trực tuyến phục vụ dạy học các chương trình tiên tiến và nghiên cứu chuyên sâu được nâng cấp và xây dựng; xây dựng hệ thống quản trị và điều hành thông minh, tích hợp được 100% các dịch vụ số trong nhà trường, tích hợp hệ thống camera giám sát an ninh ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn... Sau năm 2025, nhà trường mong muốn xây dựng được hệ thống phòng thí nghiệm chuyên ngành, phòng học thực tế ảo, phòng học trực tuyến phục vụ dạy, học các chương trình tiên tiến và nghiên cứu chuyên sâu, thư viện số có hệ thống phần mềm quản lý thư viện với các trang thiết bị hiện đại; 80% các nguồn học liệu, giáo trình của các chương trình đào tạo được số hóa và cập nhật vào hệ thống; xây dựng được hệ thống truyền thông như mạng xã hội, fanpage, website... nhằm quảng bá hình ảnh và tư vấn hướng nghiệp; xây dựng hệ thống dữ liệu mở về văn bằng, chứng chỉ số dựa trên công nghệ mã khối... Hướng tới doanh thu từ các dịch vụ số chiếm 20 - 25% tổng doanh thu hàng năm của nhà trường... Để thực hiện thành công CĐS trong nhà trường, Trường ĐH Hồng Đức đã vạch ra lộ trình và các giải pháp cụ thể. Trước mắt là tăng cường tuyên truyền vai trò của CĐS, nâng cao nhận thức cho toàn thể cán bộ, giáo viên, người lao động trong nhà trường. Lãnh đạo nhà trường phải là những người tiên phong, đi đầu và phải gắn kết mục tiêu với việc triển khai CĐS; xây dựng tinh thần đổi mới sáng tạo, ứng dụng CNTT trong thực thi công việc xuyên suốt từ lãnh đạo nhà trường đến đội ngũ giảng viên, nhân viên; có các nghiên cứu về mô hình CĐS trên thế giới... Nhận thức phải có văn hóa tổ chức CĐS trong cơ sở giáo dục, đây chính mà yếu tố tổ chức CĐS thành công trong các trường ĐH. CĐS thành công cũng đòi hỏi một số văn hóa số khác biệt từ nhà lãnh đạo lan tỏa đến tất cả cộng đồng, cán bộ giảng viên, người học... CĐS là một quá trình, là một thuật ngữ bao gồm tổng thể các giải pháp chứ không phải CĐS chỉ là một khâu cuối cùng. CĐS không chỉ đơn giản là dạy học trực tuyến mà CĐS phải là tích hợp công nghệ trên nền tảng kết quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, CĐS trong tổng thể xã hội số... Trường ĐH Hồng Đức trong những năm tới sẽ từng bước thực hiện được mục tiêu trở thành trung tâm đào tạo, chuyển giao khoa học công nghệ hàng đầu của tỉnh, nằm trong top 50 trường ĐH của cả nước từ nay đến năm 2030.
Bắt nhịp xu hướng số, Trường ĐH Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cũng đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa chia sẻ: CĐS cần có sự đầu tư đồng bộ về cả phần mềm, thiết bị, con người... Trường ĐH Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng CNTT, lắp đặt hệ thống wifi miễn phí toàn trường. Để đảm bảo chất lượng giáo dục trong quá trình CĐS, nhà trường đang từng bước thực hiện theo lộ trình, đặc biệt về công tác quản trị, quản lý dữ liệu liên quan đến các ngành học, số hóa học liệu...
Quá trình CĐS trong cơ sở giáo dục ĐH là quá trình đổi mới tự thân để đáp ứng yêu cầu phát triển, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của quá trình CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Việc CĐS thành công ở các trường ĐH trong tỉnh sẽ góp phần vào thành công của Chương trình CĐS của tỉnh, của quốc gia.
Theo Linh Hương - https://baothanhhoa.vn/